Token bán thay thế là gì? Toàn tập về token bán thay thế
Khả năng thay thế là một chủ đề thịnh hành của năm 2021, sau sự phát triển vượt bậc của NFT. Nhưng các token bán thay thế (Semi-Fungible Token hay SFT) là gì và chúng hoạt động như thế nào?
Sự quan tâm đến các token không thể thay thế đã đạt đến mức đáng kinh ngạc trong nửa đầu năm nay. Dữ liệu từ NonFungible cho thấy doanh số bán NFT tăng lên hơn 2,4 tỷ đô la trong quý đầu tiên – gấp 20 lần so với ba tháng trước đó. Hơn thế nữa, động lực vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại cho đến nay, với thị trường NFT hàng đầu OpenSea có khối lượng giao dịch cao kỷ lục 49 triệu đô la vào ngày 1/8, tăng so với giao dịch trung bình hàng ngày 8,3 triệu đô la. Giá trung bình của CryptoPunks – một trong những bộ sưu tập NFT đầu tiên ra mắt trên blockchain của Ethereum – cũng lập kỷ lục trong cùng tháng là 66,919 ETH mỗi NFT (khoảng 220.000 đô la tại thời điểm viết bài).
Sự phát triển bùng nổ đã khởi động một làn sóng đổi mới xung quanh các tài sản không thể thay thế, trong đó phải kể đến sự xuất hiện của một loại token mới được gọi là “bán thay thế” (SFT). Khi mới bắt đầu, SFT có thể thay thế được và chuyển sang không thể thay thế sau đó.
Token có thể thay thế
Phần lớn tài sản tiền điện tử mà các nhà đầu tư theo dõi và giao dịch là có thể thay thế, tức là chúng có thể dễ dàng hoán đổi cho nhau. Ví dụ: nếu hai người trao đổi 1 ETH cho nhau, giá trị sẽ không bị giảm đi và không bên nào được lợi hơn. Đó là bởi vì không có sự phân biệt giá trị giữa bất kỳ 2 ETH hoặc 2 BTC nào (không bao gồm các coin đã bị đánh cắp hoặc sử dụng vào hoạt động bất hợp pháp).
Tiền fiat như đô la Mỹ cũng có thể thay thế được, bạn sử dụng bất kỳ tờ 100 đô la nào dù mới hay cũ thì cũng có sức mua tương đương nhau. Nói cách khác, khả năng thay thế là khả năng một token (hoặc tiền tệ) được trao đổi hoặc thay thế bằng các token khác cùng loại dẫn đến không thay đổi giá trị.
Token không thể thay thế
NFT là các token hoạt động trên blockchain có thể được sử dụng để đại diện cho quyền sở hữu kỹ thuật số đối với một số thứ độc đáo và khan hiếm như tác phẩm nghệ thuật, đồ sưu tầm, âm nhạc hoặc bất động sản ảo. Bởi vì mỗi mặt hàng có một giá trị riêng biệt dựa trên đặc điểm vốn có như ai đã tạo ra nó hoặc độ hiếm nên không thể trao đổi các NFT cho nhau như ETH hoặc đô la Mỹ. Ví dụ, không thể đổi thẻ bóng chày kỹ thuật số theo tỷ lệ 1:1 với một mảnh đất ảo. Chúng là các tài sản hoàn toàn khác nhau. Chưa kể, thẻ bóng chày kỹ thuật số có thể là một phần của bộ sưu tập đặc biệt hiếm nhưng mảnh đất ảo nằm ở vị trí không đắc địa.
Bởi vì NFT được lưu trữ trên blockchain nên mỗi token có các đặc điểm sau:
– Không thể phân chia: Không thể mua các phần nhỏ của NFT.
– Không thể phá hủy: Không thể phá hủy hoặc loại bỏ NFT.
– Bất biến: Không thể thay đổi thông tin cơ bản của NFT sau khi được lưu trữ.
– Có thể xác minh: Bởi vì NFT được lưu trữ trên các blockchain công khai nên bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng xác minh tính xác thực và quyền sở hữu vào bất kỳ lúc nào.
Token bán thay thế là gì?
SFT là một nhóm token tương đối mới, vừa có thể thay thế vừa không thể thay thế. Ban đầu, SFT hoạt động giống như các token có thể thay thế thông thường ở chỗ chúng được giao dịch tương tự với các SFT giống hệt khác.
Ví dụ, một token đại diện cho phiếu mua hàng Amazon trị giá $10 sẽ có cùng giá trị với phiếu giống hệt cùng ngày hết hạn và do đó có thể hoán đổi cho nhau.
Yếu tố phân biệt khiến các loại token đặc biệt này trở thành “bán thay thế” là sau khi chúng được trao đổi, các token có thể thay thế sẽ mất mệnh giá của chúng. Việc mất giá trị có thể trao đổi đó làm cho token hết hạn trở nên không thể thay thế được.
Một cách khác để hiểu khái niệm này là tưởng tượng bạn sở hữu một token đại diện cho vé hòa nhạc để xem buổi biểu diễn cuối cùng của The Beatles. Vé sẽ có mệnh giá và có thể đổi lấy một vé hòa nhạc khác giống hệt, miễn là cùng một ban nhạc vào cùng ngày và cùng khu vực chỗ ngồi. Sau khi buổi biểu diễn kết thúc, token đại diện cho vé sẽ trở thành kỷ vật sưu tầm và có giá trị hoàn toàn mới. Điều đó cũng có nghĩa là token không còn có thể đổi lấy một vé hòa nhạc hợp lệ có cùng mệnh giá ban đầu để xem một ban nhạc khác.
Token bán thay thế được đặt tên theo quá trình chuyển đổi từ token có thể thay thế thành không thể thay thế.
Hãy tưởng tượng, giống như bạn sở hữu một tấm vé vào sân xem bóng đá trị giá 500.000 VNĐ, sau khi kết thức trận đấu thì tấm vé đó sẽ mất giá trị, tức là về 0. Tuy nhiên, nếu may mắn bạn xin được chữ kí của một siêu sao như Messi hay Ronaldo vào tấm vé, thì bạn thậm chí có thể bán được nó với giá cao gấp 100 lần số tiền bỏ ra.
Cách tạo token bán thay thế
Hiện nay, có thể đúc SFT bằng cách sử dụng tiêu chuẩn ERC-1155 của Ethereum. Đó là một trong số các tiêu chuẩn token của Ethereum – các bản thiết kế để tạo token trên blockchain Ethereum tương thích với tất cả dự án dựa trên ERC khác.
Tiêu chuẩn ERC-1155 do nhà phát triển game trên blockchain Enjin tạo ra, như Horizon Games và The Sandbox vào năm 2017 và về cơ bản là sự kết hợp của tiêu chuẩn ERC-20 (token có thể thay thế) và ERC-721 (token không thể thay thế). Tiêu chuẩn này giúp bạn có thể tạo và quản lý cả token có thể thay thế và không thể thay thế bằng cách sử dụng một hợp đồng thông minh duy nhất – một chương trình máy tính tự thực thi khi phát sinh những điều kiện nhất định.
SFT đặc biệt hữu ích trong ngành công nghiệp game có các yếu tố có thể thay thế như tiền tệ trong trò chơi (thanh vàng hoặc tiền ảo của game) cũng như các mặt hàng không thể thay thế (đồ sưu tầm và vũ khí). Điều này có nghĩa là các công ty game sẽ tạo cả hai loại token và đảm bảo chúng tương tác với nhau để game thủ dễ dàng giao dịch vũ khí lấy vàng và ngược lại.